Rau Bồng Bồng – rau cum cúm Lý Sơn
Bồng bồng, cum cúm… là tên mà người dân Lý Sơn đặt cho rong sụn biển. Còn tên khoa học của nó là Kappaphicus alvarezii, thuộc ngành rong đỏ (Rhodophyta). Bồng bồng phân bố ở nhiều vùng biển, đảo nước ta. Riêng ở vùng biển Lý Sơn, bồng bồng mọc chủ yếu ở khu vực rạng đá ngầm cách bờ 300-700m.
Qua quan sát thì bồng bồng có hình dáng như nhánh san hô nhưng kích cỡ của các nhánh chỉ to cỡ đầu que nhang còn phần gốc to hơn, với khá nhiều màu như xanh nhạt ở gốc, trắng đục ở phần đầu… Chiều cao của cây bồng bồng khoảng 20cm.
“Không phải đến gần đây, mà từ thời tám hoánh rong sụn đã được người dân trên đảo xem là một loại rau biển đầy bổ dưỡng nên tìm hái để mang về chế biến làm thức ăn trong gia đình”, nhiều bậc cao niên Lý Sơn kể.
Nhiều tài liệu khoa học cũng đã chứng minh được rằng, bồng bồng rất giàu dưỡng chất, ngoài thành phần đạm còn chứa đến hơn 90 loại khoáng chất khác nhau.
Đặc biệt hàm lượng sinh tố A của bồng bồng cao gấp 2 – 3 lần so với cà rốt, gấp 10 lần trong bơ, hàm lượng canxi cao gấp 3 lần so với sữa bò, vitamin B2 cao gấp 4 lần trong trứng… Vì vậy, bồng bồng khi chế biến làm thức ăn tạo sự dẻo dai, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần cho con người.
Chính vì khá rẻ nhưng chế biến được khá nhiều món ăn ngon, lạ miệng cho nên hiện bồng bồng được người tiêu dùng rất ưa chuộng và trở thành sản vật được nhiều người, đặc biệt là du khách trong Nam ngoài Bắc tìm mua mang về làm quà biếu, chế biến cho gia đình khi có dịp ra đảo Lý Sơn.
Rau Bông Trang – rau tóc tiên Lý Sơn
Ở đảo Bé có các loại (rau) rong biển như: rau cum cúm (rau bồng bồng), rau bông trang (rau tóc tiên), rau đông, rau câu, và rau mức. Theo kinh nghiệm dân gian, mỗi loại rau đều có cách thu hái, chế biến khác nhau. Nếu rau cum cúm, rau đông dùng để nấu chân vịt, xu xoa thì rau mức lại nấu chè, nấu canh hoặc phơi khô để dùng dần; còn rau bông trang, rau câu lại phải ăn tươi như làm gỏi.
Mùa thu hoạch rong biển thông thường từ tháng giêng đến tháng bảy – là những tháng biển yên, sóng lặng. Để cào rau cum cúm, rau đông, mỗi buổi chiều khi thủy triều xuống, người ta ra ngoài gành còn xăm xắp nước, tay dùng một cái liềm cong nhỏ nạo khẽ tách rong ra khỏi đá. Loại rong này nhiều vô kể, kéo dài khắp nửa đảo. Hái rau tóc tiên thì vất vả hơn. Rau này mọc từng cụm ở giữa các vách san hô có độ sâu từ 1,5m đến 2m. Khi hái người ta chỉ cắt phần ngọn khoảng 20cm mang về.
Tóc tiên vừa nguội thì cho ít muỗng giấm hoặc chanh trộn đều với cà chua xanh xắt mỏng, các loại rau thơm như húng, rau quế, rau răm và trên cùng rắc ít đậu phộng giã nhỏ. Tùy theo điều kiện mà cho thêm da heo, thịt ba rọi, thịt bò sợi, nấm tai mèo, nấm đông cô… để món ăn đậm đà và phong phú hơn.
Khi bày lên mâm, món gỏi này trông rất bắt mắt. Màu xanh ngọc của sợi tóc tiên nổi nhẹ trên nền xanh non của lát cà chua hoặc hằn thành những đường vân chìm giữa màu xanh đậm của rau thơm, điểm xuyết vào chút vàng mơ duyên dáng của hạt đậu phộng.
Cách làm nước chấm cũng rất hay. Người ta dằm ớt vào mắm nguyên chất rồi lấy trái chanh đã gọt vỏ gảy từng tép nhỏ vào chén. Gỏi tóc tiên phải ăn kèm với bánh tráng nướng, tỏi và hành Lý Sơn. Củ hành ở hòn Bé cũng đặc biệt. Vì trồng trọt thuần nước trời, nên thời gian sinh trưởng thì đủ mà củ hành thì đẹt lại, củ lớn nhất chỉ bằng ngón tay cái.
Mùi vị món gỏi tóc tiên rất lạ, vị giòn giòn, sần sật của tóc tiên; vị rau húng, rau quế thơm nồng; lát cà chua, ngọt thanh; hạt đậu phộng bùi bùi, beo béo; một chút chua chua mơ hồ của giấm, một thoáng hương đưa như gió biển nhẹ nhàng…
Truy cập Hải sản Lý Sơn để khám phá nhiều loại hải sản cũng như những món ăn đặc sản ở đảo Lý Sơn bạn nhé!